Luật Đất đai 2024 đã quy định nhiều nội dung mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay; trong đó có những đổi mới quan trọng về lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. So với các quy định về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trước đây, Luật Đất đai 2024 đã quy định những nội dung mới quan trọng, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Một số điểm đổi mới nổi bật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như sau:
1. Về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
- Phải đảm bảo nguyên tắc và mối quan hệ giữa các loại quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện không chỉ theo quy định của Luật Đất đai mà còn theo quy định của Luật Quy hoạch;
- Quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải đảm bảo tính đặc thù, liên kết vùng; bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương và phù hợp với tiềm năng đất đai của quốc gia nhằm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả;
- Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch sử dụng đất của cấp trên bảo đảm nhu cầu sử dụng đất của cấp dưới; quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của cấp trên;
- Nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu sử dụng đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên;
- Quy hoạch sử dụng đất các cấp được lập đồng thời; quy hoạch sử dụng đất cấp cao hơn phải được quyết định, phê duyệt trước quy hoạch sử dụng đất cấp thấp hơn.
2. Về hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Khi Luật Quy hoạch 2017 được ban hành thì trong hệ thống quy hoạch sử dụng đất không còn “quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh” riêng mà nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh được tích hợp vào Quy hoạch Tỉnh. Luật Đất đai 2024 đã quy định hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bao gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện; Quy hoạch sử dụng đất quốc phòng; Quy hoạch sử dụng đất an ninh. Như vậy, quy hoạch sử dụng đất các cấp hành chính bao gồm các cấp: quốc gia, tỉnh, huyện; trong đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện có các nội dung chi tiết đến cấp xã.
Đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện, cần lưu ý một số quy định: (i) Các tỉnh không phải là thành phố trực thuộc trung ương không phải lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh nhưng phải phân kỳ quy hoạch sử dụng đất cho từng kỳ kế hoạch 05 năm; (ii) Thành phố trực thuộc trung ương đã có quy hoạch chung được phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị thì không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà căn cứ quy hoạch chung để lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; (iii) Quận, thành phố, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thành phố, thị xã thuộc tỉnh đã có quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu được phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị thì không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện mà căn cứ vào quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu và chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ từ quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và các chỉ tiêu sử dụng đất của địa phương để lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện.
3. Về thời kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Nếu như Luật Đất đai 2013 chỉ quy định chung kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm, kỳ kế hoạch sử dụng đất là 5 năm thì Luật Đất đai 2024 đã quy định cụ thể và đầy đủ hơn về thời kỳ và tầm nhìn của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp. Cụ thể: thời kỳ, tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng và quy hoạch sử dụng đất an ninh thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch (thời kỳ quy hoạch là 10 năm, tầm nhìn của quy hoạch là từ 30 năm đến 50 năm); thời kỳ, tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thống nhất với thời kỳ, tầm nhìn của quy hoạch tỉnh (tương ứng là 10 năm và từ 20 năm đến 30 năm); thời kỳ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là 10 năm, tầm nhìn là 20 năm. Việc quy định cụ thể về thời kỳ, tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất tạo điều kiện cho quy hoạch có tính ổn định và định hướng lâu dài hơn.
4. Về nội dung, phương pháp lập quy hoạch
Luật Đất đai 2024 có các quy định nhằm đổi mới quy trình, nội dung, phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trong đó có các quy định nhằm tăng cường sự công khai, minh bạch, quá trình tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất thông qua việc tổ chức lấy ý kiến; bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong các khu vực quy hoạch.
Về nội dung quy hoạch, Luật quy định cụ thể hơn nội dung quy hoạch sử dụng đất các cấp hành chính và quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh. Trong đó, đáng lưu ý là Luật đã quy định “Nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch” và “Nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch”; đồng thời các nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh theo pháp luật về quy hoạch cũng đã được quy định sửa đổi, bổ sung tại Luật Đất đai 2024 (Điều 243) để đảm bảo tính đồng bộ về nội dung quy hoạch sử dụng đất.
5. Về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Luật Đất đai 2024 đã quy định thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh. So với quy định tương ứng trong các giai đoạn trước, Luật đã phân cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất quốc gia cho Chính phủ, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh cho Thủ tướng Chính phủ. Việc đổi mới các quy định này nhằm bảo đảm tính thống nhất về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch nói chung (phù hợp với thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tương ứng theo Luật Quy hoạch); đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tổ chức thực hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
6. Về rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Luật Đất đai 2024 quy định cụ thể các nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Cơ quan có thẩm quyền lập quy hoạch có trách nhiệm tổ chức rà soát quy hoạch sử dụng đất định kỳ 05 năm để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn; quy định cụ thể hơn các căn cứ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất các cấp. Các quy định này tạo điều kiện cho việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bảo đảm phải có căn cứ theo quy định, được cơ quan có thẩm quyền quyết định; đồng thời nâng cao hiệu quả của việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Trên đây là toàn bộ ý kiến của chúng tôi về “Luật Đất đai 2024 và các vấn đề liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”. Mong rằng qua bài viết, công ty của chúng tôi đã có thể giúp bạn giải đáp được phần nào băn khoăn, thắc mắc và giúp bạn có thể nắm được những nội dung cơ bản về vấn đề này.
Công ty Luật TNHH Kiên Trần hoạt động với phương châm “Nơi gửi giữ niềm tin”, cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ, cụ thể thư sau:
- Đảm bảo thực hiện công việc theo đúng tiến độ đã thỏa thuận, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật, đúng với quy tắc đạo đức và ứng xử của luật sư Việt Nam.
- Đặt quyền lợi khách hàng lên hàng đầu, nỗ lực hết mình để mang đến cho khách hàng chất lượng dịch vụ tốt nhất.
- Bảo mật thông tin mà khách hàng cung cấp, các thông tin liên quan đến khách hàng.
Rất mong được hợp tác lâu dài cùng sự phát triển của Quý Khách hàng.
Trân trọng!
(Người viết: Nguyễn Nhã Phương; Ngày viết: 22/8/2024)
----------------------------------------------------------
Xem thêm các bài viết liên quan
- Những trường hợp không được sang tên sổ đỏ theo Luật Đất đai 2024
- Đánh giá tác động của Luật Đất đai 2024 đến đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
- Những điểm mới nổi bật trong Luật Đất đai 2024
- Quản lý và sử dụng đất nông nghiệp theo Luật Đất đai 2024: Cơ hội và thách thức